Thậm chí nếu bạn muốn loại bỏ hoàn toàn sóng Wi-Fi trong nhà (tất nhiên là không cần thiết!), cách tốt nhất bạn có thể làm là bỏ tất cả các thiết bị sử dụng Wi-Fi và chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng mạng có dây. Những thứ như "hộp đựng Wi-Fi" hay "bọc Wi-Fi" được cho là bảo vệ bạn khỏi bức xạ từ Wi-Fi hoàn toàn vô dụng.
Chặn bức xạ Wi-Fi" có nghĩa là "chặn sóng Wi-Fi"
Tấm chắn EMF hay những thứ có tác dụng tương tự hứa hẹn có thể chặn bức xạ từ Wi-Fi. Tuy nhiên, có một vấn đề rất lớn ở đây chính là "bức xạ Wi-Fi" chính là "sóng Wi-Fi".
Tất nhiên, thông tin này chẳng có gì mới lạ, đài phát thanh AM hay FM cũng sử dụng sóng vô tuyến. Cả những thiết bị như bộ đàm, điện thoại di động, thiết bị giám sát em bé và nhiều công nghệ phổ thông khác mà con người đã sử dụng trong nhiều thập kỷ cũng tương tự.
Vì sóng Wi-Fi cũng chỉ là sóng vô tuyến, là một dạng của bức xạ. Việc chặn bức xạ Wi-Fi cũng chính là chặn sóng Wi-Fi. Nếu một sản phẩm cam kết có thể "ngăn chặn 85% bức xa Wi-Fi" thì cũng có nghĩa là nó sẽ khiến thiết bị phát Wi-Fi của bạn chỉ có thể hoạt động được 15% khả năng.
Bức xạ Wi-Fi hay sóng Wi-Fi không hề nguy hiểm
Bức xạ Wi-Fi không gây nguy hiểm cho con người. Nói ngắn gọn thì loại bức xạ có khả năng gây nguy hiểm cho con người là bức xạ i-on hóa, như X-ray chẳng hạn. Bức xạ i-on hóa chứa đủ năng lượng để "i-on hóa" các nguyên tử và phân tử bằng cách đẩy một electron ra khỏi chúng.
Tuy nhiên, Wi-Fi được xem là "bức xạ phi i-on hóa", tương tự sóng vô tuyến AM và FM. Không có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy bức xạ Wi-Fi có thể gây nguy hiểm cho chúng ta, cả sóng vô tuyến được sử dụng trên bộ đàm cũng vậy.
Tấm chắn EMF hay hộp đựng Wi-Fi hoạt động như thế nào?
Một chiếc hộp đựng giúp "bảo vệ bạn khỏi bức xạ Wi-Fi" như thế này có giá gần 2 triệu đồng (Ảnh: Smart Meter Covers)
Những thiết bị này đơn giản chỉ là một phiên bản của chiếc lồng Faraday. Lồng Faraday là một chiếc hộp giúp chặn điện từ trường. Đó là lý do vì sao những sản phẩm này có tên "tấm chắn EMF", nó hoạt động như một lớp bảo vệ giúp chặn điện từ trường (electromagnetic fields – EMF).
Nói một cách dân dã thì chiếc lồng bạn mua về để bọc bên ngoài thiết bị phát Wi-Fi sẽ chỉ làm nhiễu tín hiệu, khiến sóng Wi-Fi yếu đi một cách đáng kể hay tệ hơn là mất tín hiệu hoàn toàn.
Vì sao lại xuất hiện những sản phẩm này trên thị trường? Vì có những tin đồn cho rằng sóng Wi-Fi gây nguy hiểm cho con người. Nhưng những tin đồn đó hoàn toàn sai sự thật.
Những sản phẩm này được bày bán rất nhiều trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ việc mua và sử dụng là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định một điều rằng những sản phẩm này hoàn toàn vô dụng và phung phí tiền bạc. Ngay cả khi bạn tin rằng sóng Wi-Fi gây nguy hiểm thì những tấm chắn này cũng không có ý nghĩa gì.
Một lần nữa, Wi-Fi là sóng vô tuyến và sóng vô tuyến là một dạng bức xạ
Wi-Fi chỉ là sóng vô tuyến và sóng vô tuyến là một dạng bức xạ. Thiết bị phát Wi-Fi sử dụng tần số điện từ, hay còn gọi là "sóng vô tuyến" hoặc "bức xạ Wi-Fi", để giao tiếp với các thiết bị của bạn và cho phép chúng truy cập internet. Tất cả chỉ đơn giản như vậy.
Việc đặt thiết bị phát Wi-Fi vào lồng Faraday giống như việc dựng cột sóng phát thanh nhưng lại xây một chiếc lồng bao quanh để không một ai có thể nghe đài được vậy. Nó rất là vô lý!
Những sản phẩm chống bức xạ Wi-Fi được rao bán rất nhiều trên mạng
Nếu có thì tác dụng duy nhất là làm sóng Wi-Fi yếu đi
Nếu bạn đọc đánh giá về những sản phẩm này, bạn sẽ nhận thấy có nhiều đánh giá "1 sao" với những phàn nàn về việc tín hiệu Wi-Fi yếu đi. Với chiếc lồng Faraday bên ngoài, giờ đây chỉ những thiết bị cùng phòng với bộ phát mới có thể truy cập mạng, trong khi trước đó có thể truy cập từ bất cứ đâu trong nhà.
Đó chính là tính năng! Đó là cách hoạt động! Tác dụng của những chiếc hộp này là chặn sóng Wi-Fi thoát ra ngoài. Ít bức xạ Wi-Fi hơn có nghĩa là tín hiệu Wi-Fi yếu hơn.
Nhưng một số sản phẩm cam kết Wi-Fi vẫn hoạt động bình thường?
Nếu tìm kiếm thêm một chút nữa, bạn sẽ tìm thấy những sản phẩm xam kết có khả năng chặn bức xạ Wi-Fi trong khi tín hiệu Wi-Fi vẫn hoạt động tốt. Một số còn có các đánh giá tích cực như: "Sản phẩm hoạt động tốt, không như những sản phẩm khác khiến Wi-Fi của tôi yếu đi!"
Làm sao có thể như thế được?
Có lẽ nhà sản xuất đang nói dối và chiếc hộp bảo vệ vẫn sẽ làm sóng Wi-Fi yếu đi.
Tuy nhiên, nếu một sản phẩm chắn bức xạ Wi-Fi thực sự không làm ảnh hưởng đến tín hiệu Wi-Fi, điều này có nghĩa là sản phẩm đó không thật sự làm được gì cả. Nếu tín hiệu không bị ảnh hưởng thì chắc chắn nó không chặn được sóng Wi-Fi (hay bức xạ Wi-Fi).
Cũng có thể sản phẩm này hoạt động kém hiệu quả hơn những sản phẩm khác. Có nghĩa là tấm chắn EMF này cho ra tin hiệu Wi-Fi tốt hơn vì nó chặn ít bức xạ Wi-Fi hơn. Còn những sản phẩm kia làm tín hiệu Wi-Fi yếu đi nhiều vì nó chặn nhiều bức xạ hơn.
Một lần nữa, Wi-Fi chính là sóng vô tuyến, và là một dạng bức xạ an toàn với con người. Chặn bức xạ Wi-Fi đồng nghĩa với chặn sóng Wi-Fi. Nếu bạn có thể chặn 100% bức xạ Wi-Fi thì có nghĩa là bạn đã khiến thiết bị phát Wi-Fi 100% vô dụng.
Hãy sử dụng mạng dây nếu bạn vẫn tin sóng Wi-Fi nguy hiểm
Nếu bạn vẫn tin sóng Wi-Fi gây nguy hiểm (và tất nhiên là điều này không đúng), thì việc sử dụng thiết bị chặn bức xạ Wi-Fi để bảo vệ bản thân cũng không hợp lý chút nào.
Có thể kể ra một vài trường hợp như sau: Một là bạn mua được một sản phẩm vẫn cho ra tín hiệu Wi-Fi mạnh mẽ vì thật sự nó chẳng có tác dụng gì; Hai là bạn mua được một sản phẩm hoạt động quá tốt, đến mức bạn chẳng thể sử dụng Wi-Fi được nữa; Và ba là một sản phẩm vừa phải, 50-50, nhưng vẫn có một lượng "bức xạ Wi-Fi" thoát ra (hay nói cách khác chính là tín hiệu Wi-Fi).
Nếu bạn lo ngại về vấn đề này, tốt nhất là tháo bộ định tuyến Wi-Fi và cất đi rồi chuyển sang sử dụng mạng dây cho cả gia đình. Và bạn sẽ có thể ngăn thiết bị phát Wi-Fi tạo ra bất cứ "bức xạ Wi-Fi" nào.
Nhưng bạn không việc gì phải vất vả như vậy, vì sóng Wi-Fi hoàn toàn an toàn!
Hoặc thử sinh sống tại khu vực "sạch" sóng vô tuyến
Thậm chí nếu bạn không sử dụng Wi-Fi trong nhà của mình thì bạn vẫn sẽ bị phơi nhiễm trước những loại sóng vô tuyến khác, hay nói cách khác là bức xạ. Ví dụ như sóng Wi-Fi từ hàng xóm, sóng điện thoại di động, thiết bị Bluetooth, sóng phát thanh FM, AM và rất nhiều thứ khác.
Nếu có điều kiện, bạn có thể sang Mỹ và sống tại vùng U.S. National Radio Quiet Zone. Đây là một khu vực cấm hầu hết các loại sóng điện từ (bao gồm cả sóng Wi-Fi và sóng điện thoại) để hạn chế gây nhiễu cho các thiết bị nghiên cứu khoa học cực nhạy và thiết bị tình báo quân sự bên trong khu vực.
Kính viễn vọng Robert C. Byrd Green Bank thu thập tín hiệu vô tuyến sâu trong không gian tại Green Bank, Tây Virgina (Ảnh: John M. Chase/Shutterstock)
Tất nhiên là bạn không cần tự làm khổ mình như vậy, vì chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy bức xạ sóng vô tuyến gây hại cho con người.
(Theo VnReview, How-To Geek)